Chùa Ngọa Vân Yên Tử
Khám phá chùa Ngọa Vân – “chốn thiêng” của Phật Giáo Trúc Lâm
Quần thể chùa Ngọa Vân trên núi Bảo Đài là chốn thiêng của Phật giáo Việt Nam. Đây từng là nơi tu hành và nhập Niết bàn của Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Chùa Ngọa Vân là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm, nơi gắn liền với hành trình tu tập của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngôi chùa có kiến trúc cổ kính, uy nghiêm giữa núi rừng nguyên sơ, kỳ vĩ là điểm hành hương thu hút đông đảo Phật tử và du khách muôn phương. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về ngôi chùa Quảng Ninh linh thiêng này.
1. Chùa Ngọa Vân ở đâu? Giới thiệu về chùa Ngọa Vân
Chùa Ngọa Vân nằm ở trung tâm sườn phía Nam của núi Bảo Đài (hiện được biết đến là núi Vây Rồng). Ngôi chùa thuộc địa phận 2 xã An Sinh và Bình Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Chùa Ngọa Vân là quần thể kiến trúc chùa tháp của Thiền Phái Trúc Lâm trên dãy Yên Tử. Đây là thánh địa của Phật giáo Việt Nam khi là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu hành và đắc đạo.
Chùa am Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài thuộc vòng cung Đông Triều, Quảng Ninh (Ảnh: Sưu tầm)
Nằm ở độ cao 500m so với mặt nước biển, ngôi chùa được bao quanh bởi đại ngàn hùng vĩ. Quần thể chùa am Ngọa Vân bao gồm nhiều công trình, từ chân núi đến đỉnh Ngọa Vân, thường được gọi là khu Chùa đổ hay Nhà Mẫu, Bàn Cờ tiên.
Với kiến trúc ấn tượng, không gian thanh tịnh và những câu chuyện lịch sử linh thiêng, chùa Ngọa Vân đã trở thành địa điểm du lịch Yên Tử nổi tiếng. Nơi đây thu hút hàng vạn du khách, Phật tử hành hương, chiêm bái mỗi năm. Năm 2006, chùa Ngọa Vân được công nhận là di tích văn hóa – lịch sử cấp Quốc gia.
>>> Xem thêm: Chùa Yên Tử Quảng Ninh – điểm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương
2. Đường đi chùa Ngọa Vân Quảng Ninh
Hành hương chùa Ngọa Vân, du khách sẽ đi qua 3 lớp. Lớp thấp nhất bắt đầu từ chân núi, kết nối những điểm di tích nhỏ tạo thành con đường uốn lượn dẫn lên đỉnh Ngọa Vân. Con đường đi bộ này dài khoảng 3km là lựa chọn phổ biến của nhiều du khách, Phật tử.
Ngoài ra, bạn có thể chọn lựa cáp treo cho hành trình lên núi. Giá vé cáp treo chùa Ngọa Vân được áp dụng: 220.000 VNĐ/vé khứ hồi, 120.000 VNĐ/vé một chiều. Hành trình đi cáp treo chỉ mất khoảng 15 phút với cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng trùng điệp từ trên cao.
Từ ga cuối cáp treo, bạn sẽ tiếp tục đi bộ khoảng 300 m và vượt qua 109 bậc thang để đến chùa Ngọa Vân trung – lớp thứ hai của khu di tích. Sau đó, bạn có thể tiếp tục đi theo con đường nhỏ lát đá bên phải chùa để lên chùa Ngọa Vân thượng và am Ngọa Vân. Đây là lớp cuối cùng và cao nhất của quần thể di tích Ngọa Vân, nơi bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên hùng vĩ.
Khu Thông Đàn – điểm dừng chân trên đường lên Ngọa Vân Yên Tử (Ảnh: Sưu tầm)
*** Lưu ý: Giá vé cáp treo chùa Ngọa Vân có thể thay đổi/ điều chỉnh tại từng thời điểm. Vì vậy, bạn hãy vui lòng liên hệ với nhà ga cáp treo để cập nhật thông tin mới nhất! Hoặc liên hệ tới VN Vi Vu!
3. Lịch sử Ngọa Vân tự Đông Triều Quảng Ninh
Ngoài vị thế đẹp, chùa Ngọa Vân còn chứa đựng một phần quan trọng của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Năm 1037, vua Trần Nhân Tông đã chọn nơi này để tĩnh thiền. Ngài đã nhập Niết bàn tại am Ngọa Vân vào ngày 1/11/1308 (theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Am Ngọa Vân sau đó đã được sử dụng để thờ cúng ông. Trong thời nhà Trần, Ngọa Vân tự đã được xây dựng để thờ Phật và thực hiện các nghi lễ hành đạo. Từ những năm 2000, khu di tích chùa Ngọa Vân bắt đầu được đầu tư và tôn tạo trên nền những phế tích cổ.
Lịch sử chùa Ngọa Vân Đông Triều Quảng Ninh gắn liền với quá trình tu thiền của Phật hoàng (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Tìm hiểu thêm: Chùa Ba Vàng – ngôi chùa địa thế tọa sơn, linh thiêng ở Quảng Ninh
4. Cấu trúc quần thể di tích chùa Ngọa Vân ngày nay
Sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn tại am Ngọa Vân, thế hệ sau đã xây dựng lại am và các công trình tôn giáo để thờ cúng và hành đạo. Ngày nay, di tích Ngọa Vân trở thành quần thể chùa tháp lớn, bố trí thành ba lớp trên núi Bảo Đài.
4.1. Lớp thứ nhất – 15 di tích dưới chân núi
Dưới chân núi Bảo Đài, lớp thấp nhất của quần thể chùa Ngọa Vân là tập hợp 15 điểm di tích như: khu rừng già Tàn Lọng, Phủ Am Trà, Đô Kiệu, Thông Đàn, Đá Chồng, Ba Bậc… Các điểm di tích được kết nối với nhau bằng con đường uốn lượn dọc theo triền dốc lên đến đỉnh núi.
Check in khu Đá Chồng dưới chân núi Bảo Đài là trải nghiệm được nhiều người yêu thích khi du lịch chùa Ngọa Vân (Ảnh: Sưu tầm)
4.2. Lớp thứ hai – chùa Ngọa Vân trung
Lớp thứ hai trong khu di tích Ngọa Vân là chùa Ngọa Vân trung, nằm ở sườn phía Nam của núi Bảo Đài. Sau quá trình trùng tu, xây dựng trên nền chùa cũ vào năm 2014, Ngọa Vân trung ngày nay là công trình bằng gạch, mái cuốn vòm khang trang với lối kiến trúc chữ Nhị, mô phỏng theo kiến trúc từ thời Lê Trung Hưng.
Chùa gồm hai tòa chính, Tiền đường và Hậu đường, tạo nên không gian trang nghiêm, tĩnh tại. Ngoài ra, chùa Ngọa Vân trung còn đóng vai trò là trung tâm của lễ hội Xuân Ngọa Vân, diễn ra từ mùng 9 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch hàng năm. Các nghi lễ quan trọng như lễ khai xuân, lễ cầu quốc thái dân an đều được tổ chức long trọng tại đây.
Toàn cảnh chùa Ngọa Vân Trung – lớp thứ hai của quần thể Ngọa Vân (Ảnh: Sưu tầm)
4.3. Lớp thứ ba – di tích Ngọa Vân
Lớp thứ ba cũng là lớp cao nhất của di tích Ngọa Vân gồm: chùa Ngọa Vân thượng, am Ngọa Vân, Phật Hoàng tháp, Đoan Nghiêm tháp và Am Sơn thần. Tọa lạc trên đỉnh núi huyền bí, mây phủ quanh năm, đây là nơi lưu giữ nhiều dấu tích thiêng liêng về những ngày cuối cùng trong cuộc đời tu thiền của Phật hoàng.
Khu vực trước sân chùa Ngọa Vân thượng với Phật Hoàng tháp và Đoan Nghiêm tháp (Ảnh: Sưu tầm)
Ngọa Vân am – nơi vua Trần Nhân Tông nhập Niết bàn về cõi Phật (Ảnh: Sưu tầm)
5. Cảnh sắc thiên nhiên tại Ngọa Vân tự
Nằm trong vùng vòng cung Đông Triều, quần thể chùa Ngọa Vân được bao quanh bởi những dãy núi trùng điệp với thảm thực vật phong phú. Trong hành trình hành hương, bạn sẽ ngỡ ngàng trước những hàng thông trăm tuổi, rừng trúc bạt ngàn giữa núi non hùng vĩ. Khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, tươi đẹp càng mang lại cho du khách cảm giác an nhiên, thú vị khi viếng chùa Ngọa Vân.
Cảnh sắc thiên nhiên tại chùa Ngọa Vân Thượng (Ảnh: Sưu tầm)
6. Lễ hội chùa Ngọa Vân Quảng Ninh
Giống như lễ hội Yên Tử, lễ hội chùa Ngọa Vân diễn ra vào những ngày đầu năm, từ mùng 9 tháng Giêng và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Đây là sự kiện thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia chiêm bái, dâng hương, tri ân công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông và hướng về cội nguồn tâm linh dân tộc.
Lễ hội còn có ý nghĩa tôn vinh giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm, cầu phúc và cầu tài cho một năm an lành. Khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ trang trọng như: Lễ cầu quốc thái, dân an; Lễ gióng trống – thỉnh chuông khai hội; Lễ dâng hương, tri ân công đức Phật hoàng và các tiền nhân.
Tiếp đến là phần hội với không khí rộn ràng của nhiều hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao hấp dẫn, từ diễu hành xe đạp đến giao lưu các làn điệu chèo và trò chơi dân gian. Với nhiều hoạt động đặc sắc, lễ hội là dịp lý tưởng cho hành trình viếng chùa, vãng cảnh và hòa vào không khí sôi nổi, rộn ràng trong tiết đầu xuân.
Lễ hội chùa Ngọa Vân diễn ra trong 3 tháng mùa Xuân với nhiều nghi lễ trang trọng và hoạt động rộn ràng (Ảnh: Sưu tầm)
Sau khi viếng chùa Ngọa Vân, Đông Triều bạn hãy tiếp tục hành trình du lịch Hạ Long. Việc kết hợp du lịch Đông Triều – Hạ Long sẽ mang đến cho bạn kỳ nghỉ đa màu sắc, giàu trải nghiệm.
Và để hành trình du lịch càng thêm trọn vẹn, bạn hãy liên hệ tới VN Vi Vu nhé!
Chúng tôi sẽ lên lịch trình, đặt các dịch vụ để chuyến đi của bạn trở lên trọn vẹn hơn. Hoặc bạn có thể tham khảo Tour hành hương Ngọa Vân Yên Tử của chúng tôi!