Chùa Long Tiên

Chùa Long Tiên – ngôi chùa thiêng, đẹp cổ kính dưới chân núi Bài Thơ

Chùa Long Tiên ở đâu? Kiến trúc chùa có gì độc đáo? Hay lễ hội chùa Long Tiên diễn ra ngày nào? Trong bài viết này, VN Vi Vu sẽ cung cấp đến bạn tất tần tật thông tin về ngôi chùa Quảng Ninh này.

Chùa Long Tiên - ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Quảng Ninh

Chùa Long Tiên – ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Quảng Ninh (Ảnh: Sưu tầm)

Du lịch Hạ Long không chỉ hấp dẫn với những kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi những di tích lịch sử – văn hóa lâu đời. Trong đó, chùa Long Tiên là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở thành phố này. Ngôi chùa tọa lạc dưới chân núi Bài Thơ, mang phong cách kiến trúc độc đáo thời nhà Nguyễn.

1. Giới thiệu chùa Long Tiên – ngôi chùa lớn nhất Hạ Long

Chùa Long Tiên nằm ở phía Bắc chân núi Bài Thơ, thuộc phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Được xây dựng từ năm 1941 và đã trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng nơi đây vẫn giữ được nét cổ kính của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó, chùa Long Tiên cũng là ngôi chùa lớn nhất và là một danh thắng nổi tiếng, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của Hạ Long.

Ngôi chùa Quảng Ninh này vừa thờ cúng phái Bắc Tông, vừa thờ các vị tướng thời nhà Trần và các chư Phật theo quan niệm tôn giáo của người Việt. Di tích này đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 1140/QĐ ngày 31/8/1992.

Thêm vào đó, ngôi chùa còn tọa lạc phía dưới chân núi Bài Thơ nên nơi đây có khung cảnh rất yên bình, tĩnh lặng, cực kỳ lý tưởng cho các hoạt động tâm linh, thờ cúng. Vì thế, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, chùa Long Tiên đều tổ chức lễ hội để du khách và Phật tử gần xa tới chiêm bái, cầu nguyện may mắn, bình an.

Chùa Long Tiên tọa lạc ngay phía dưới chân núi Bài Thơ

Chùa Long Tiên tọa lạc ngay phía dưới chân núi Bài Thơ (Ảnh: Sưu tầm)

2. Đường đi chùa Long Tiên Hạ Long

Chùa Long Tiên Quảng Ninh nằm ở ngay trung tâm thành phố nên rất thuận tiện cho du khách đến viếng thăm. Xuất phát từ trung tâm thành phố, bạn có thể đi dọc theo quốc lộ 18, sau đó rẽ phải vào đường Trần Hưng Đạo. Tiếp theo, tại vòng xuyến, bạn hãy đi theo lối ra thứ hai vào đường Trần Thánh Tông. Sau đó, bạn rẽ trái vào đường Lê Quý Đôn và di chuyển thêm 200m nữa là đến chùa.

Đường đi chùa Long Tiên Hạ Long

Đường đi chùa Long Tiên Hạ Long (Ảnh: Sưu tầm)

3. Kiến trúc chùa Long Tiên mang phong cách thời Nguyễn

Chùa Long Tiên được thiết kế và xây dựng khá độc đáo, hiếm có, mang đậm phong cách kiến trúc và điêu khắc của các ngôi chùa thời nhà Nguyễn. Tiêu biểu cho phong cách này là kiểu chồng rường giá chiêng và những họa tiết hoa văn trang trí rồng phượng, hoa lá được thiết kế cách điệu. Trên đỉnh tam quan, du khách có thể bắt gặp tượng Phật A Di Đà với tư thế ngồi thanh nhã, dưới là gác chuông, nổi bật ba chữ “Long Tiên Tự”.

Chùa Long Tiên được xây dựng theo kiểu chữ Nhị (=) gồm ba gian tiền đường và ba gian hậu cung theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái có các đầu đao vút lên mềm mại. Hệ thống vì kèo cột gỗ ở đây theo kiểu giá chiêng chồng rường tứ hàng chân. Ở phía trước tiền đường, du khách có thể thấy một bức tranh được đắp nổi diễn tả hình ảnh thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh. Mái được lợp ngói âm dương.

Trong cùng một không gian, chùa thờ ba chủ thể bao gồm thờ Phật, thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh nhà Trần, thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Tất cả các tượng Phật tại đây đều được đúc bằng đồng nguyên khối, những tượng chính còn được dát thêm lớp vàng.

Tất cả các tượng Phật tại chùa đều được đúc bằng đồng nguyên khối

Tất cả các tượng Phật tại chùa đều được đúc bằng đồng nguyên khối (Ảnh: Sưu tầm)

4. Lễ hội chùa Long Tiên Quảng Ninh

Lễ hội chùa Long Tiên thường diễn ra vào ngày 24/3 âm lịch hằng năm. Lễ hội ở Quảng Ninh này không chỉ dành riêng cho các tín đồ Phật giáo mà còn mang ý nghĩa tâm linh cao cả cho tất cả nhân dân và du khách trong, ngoài nước.

Lễ hội này thường bắt đầu bằng việc tổ chức rước kiệu qua đền Đức Ông (nơi thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn – con cả của vua Trần Hưng Đạo) và tiếp tục đến đền thờ An Dương Vương ở Vụng Đâng qua Loong Toòng, sau đó quay trở lại chùa. Các cụ già vẫn thường kể lại các cuộc thi kiệu của nhiều đám rước, nhiều kiệu chạy nhanh đã bay qua những con ngòi… tạo nên một bức tranh sống động như trong những câu chuyện cổ tích.

Lễ hội chùa Long Tiên thường diễn ra vào ngày 24/3 âm lịch hằng năm

Lễ hội chùa Long Tiên thường diễn ra vào ngày 24/3 âm lịch hằng năm (Ảnh: Sưu tầm)

5. Kinh nghiệm tham quan, chiêm bái chùa Long Tiên

Cũng giống như những địa điểm du lịch tâm linh khác, khi đến du lịch chùa Long Tiên Hạ Long, bạn cần lưu ý một vài điều sau:

  • Du khách nên chọn trang phục gọn gàng, lịch sự và kín đáo, màu sắc nhã nhặn khi tới chùa. Đối với Phật tử nên mặc đồ lam để dâng lễ lên thần Phật.
  • Du khách cần tránh bình phẩm về các vấn đề liên quan đến tôn giáo, tượng Phật, hay các nghi lễ tại chùa. Bên cạnh đó, bạn không nên nói chuyện, cười đùa lớn tiếng trong khu vực Phật điện, tam bảo, tránh văng tục, chửi bậy trong khuôn viên của chùa.
  • Bạn hãy nhớ vứt rác đúng nơi quy định, tuyệt đối không vừa đi dâng lễ vừa cầm theo đồ ăn hay nước uống, vì hành động này có thể được coi là thiếu tôn trọng với thần linh.
  • Khi đến chùa Long Tiên vào các dịp lễ hội đông đúc, bạn cần chú ý tự bảo vệ tài sản cá nhân, tránh để kẻ xấu lợi dụng, trộm cắp tài sản.

Tham quan chùa Long Tiên, du khách cần lưu ý giữ gìn vệ sinh, vứt rác đúng nơi quy định

Tham quan chùa Long Tiên, du khách cần lưu ý giữ gìn vệ sinh, vứt rác đúng nơi quy định (Ảnh: Sưu tầm)

6. Những địa điểm du lịch gần chùa Long Tiên

Ngoài ra, sau khi viếng thăm chùa Long Tiên, du khách có thể kết hợp đến tham quan các địa điểm gần chùa để hành trình thêm thú vị.

6.1. Núi Bài Thơ

Núi Bài Thơ là một di tích in đậm những dấu ấn lịch sử, một truyền tích dân gian ở vùng đất bên bờ vịnh Hạ Long xinh đẹp. Nơi này còn là những “mắt thần” ở vùng Đông Bắc Tổ quốc. Hiện nay, đoạn đường lên đỉnh núi, từ phía Đông Bắc phường Hồng Gai lên gần 500 bậc vẫn còn gồ ghề, nhưng nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh và cả du khách quốc tế vẫn thường ưa thích leo đến tận đỉnh núi. Tại đây, du khách có thể phóng tầm nhìn ra xa, ngắm nhìn một không gian xanh biếc của Hạ Long, cực kỳ đẹp.

Đặc biệt, đây còn là nơi ghi dấu bài thơ của vua Lê Thánh Tông “Muôn thuở trời Nam, sông núi vững” được chúa Trịnh Cương cho khắc trên vách đá vào mùa xuân năm 1792. Không những vậy, núi Bài Thơ còn là nơi gắn kết văn hóa giữa các thế hệ người Việt nối tiếp nhau và ngày càng phát triển bền vững.

Núi Bài Thơ - di tích in đậm những dấu ấn lịch sử

Núi Bài Thơ – di tích in đậm những dấu ấn lịch sử (Ảnh: Sưu tầm)

6.2. Phố đi bộ núi Bài Thơ

Phố đi bộ núi Bài Thơ là một địa điểm du lịch mới, được tổ chức khai trương vào tối ngày 23/6/2023 tại 2 con phố Long Tiên và Lê Quý Đôn (phường Bạch Đằng). Trên 2 tuyến phố này, cộng đồng người dân đã có truyền thống kinh doanh buôn bán lâu đời. Bên cạnh đó, nơi đây còn có vị trí vô cùng đắc địa, nằm dưới chân núi Bài Thơ và gần chùa Long Tiên, Chợ Hạ Long 1, Vincom, Công viên Hạ Long… rất thuận lợi cho du khách tham quan, khám phá.

Phố đi bộ núi Bài Thơ hoạt động từ 18 – 24 giờ vào các tối Thứ 6, Thứ 7 hàng tuần và các ngày lễ, Tết trong năm. Nơi đây tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đường phố như biểu diễn âm nhạc, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy zumba, nhảy hiện đại… Cùng với đó, ở đây có hơn 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố… để phục vụ cả nhân dân và du khách.

Phố đi bộ núi Bài Thơ - địa điểm du lịch mới ở Hạ Long

Phố đi bộ núi Bài Thơ – địa điểm du lịch mới ở Hạ Long (Ảnh: Sưu tầm)

6.3. Đền Đức Ông

Theo sử sách, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Đền có tên chữ là Phúc Linh từ (Đền Phúc Linh) nay thuộc phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long. Đây là một ngôi đền nhỏ, được xây dựng trên nền đất cao, hướng nhìn ra vịnh Hạ Long, với kiến trúc chữ Đinh bao gồm 3 gian bái đường và 1 gian hậu cung. Trong đền có đầy đủ nghi trượng, bát bửu và các đồ tế khí khác… Ngày nay, đền là một phần của Cụm di tích núi Bài Thơ – chùa Long Tiên được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia từ năm 1992.

Lễ hội Đền Đức Ông thường được tổ chức vào cuối tháng 3 âm lịch hằng năm. Tới đây, bạn có thể được thưởng thức, tham gia nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn như lễ mục dục, lễ tế thánh, rước kiệu long ngai bài vị Đức Ông, hát chầu văn, ca trù, múa lân, múa rồng và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, cờ người…

Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn

Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (Ảnh: Sưu tầm)

6.4. Bảo tàng Quảng Ninh

Bảo tàng Quảng Ninh là một công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo của tỉnh, là địa chỉ tham quan du lịch được nhiều người yêu thích. Bên ngoài, bảo tàng gây ấn tượng bởi lớp vỏ kính màu đen như một tấm gương khổng lồ, phản chiếu hình ảnh biển trời Hạ Long. Đây còn là biểu tượng của ngành công nghiệp Đất mỏ – một tảng than nguyên khối nặng 28 tấn. Bước vào bên trong, du khách sẽ càng ấn tượng hơn với thiết kế độc đáo, trưng bày hiện vật phản ánh đặc trưng về đất và con người Quảng Ninh. 

Không gian bảo tàng bao gồm 3 tầng. Tầng một là các ống núi in hình ảnh vịnh Hạ Long kết hợp ánh sáng mô phỏng nước biển, mang đến cho du khách cảm giác như đang đứng trong lòng vịnh. Tầng hai trưng bày các khảo cổ độc đáo mô phỏng cuộc sống và hoạt động của ngư dân Quảng Ninh, đồng thời có khu vực mô phỏng cuộc chiến chống đế quốc Mỹ của Đệ tứ Chiến khu Đông Triều hết sức tinh tế. Tầng ba tập trung vào lịch sử hình thành và phát triển của ngành khai thác than nổi tiếng Quảng Ninh và vinh danh tinh thần anh dũng của thợ mỏ, đặc biệt là hình ảnh Bác Hồ về với đất mỏ đẹp giàu.

Bảo tàng Quảng Ninh - biểu tượng của ngành công nghiệp Đất mỏ

Bảo tàng Quảng Ninh – biểu tượng của ngành công nghiệp Đất mỏ (Ảnh: Sưu tầm)

Và để hành trình du lịch càng thêm trọn vẹn, bạn hãy liên hệ tới VN Vi Vu nhé!

Chúng tôi sẽ lên lịch trình, đặt các dịch vụ để chuyến đi của bạn trở lên trọn vẹn hơn. Hoặc bạn có thể tham khảo Tour Hạ Long của chúng tôi!